Sự Việt hóa từ mượn Từ mượn trong tiếng Việt

Cũng giống như những ngôn ngữ khác, hiện tượng tiếp nhận từ ngữ của một ngôn ngữ vào tiếng Việt không diễn ra một cách đơn giản mà các từ mượn phải chịu sự biến đổi theo quy luật của tiếng Việt. Quá trình đồng hoá các từ ngoại lai diễn ra trên cả bốn mặt là chữ viết, ngữ âm, ngữ nghĩangữ pháp[4].

Việt hóa ngữ âm

Cách phát âm của các từ mượn cần phải phù hợp với hệ thống ngữ âm tiếng Việt, những âm mà tiếng Việt không có hoặc có nhưng xuất hiện ở những vị trí bất thường, trái với ngữ âm tiếng Việt sẽ bị biến đổi thành các âm tiếng Việt có cách phát âm gần giống hoặc bị bỏ qua, không chuyển đổi thành âm tiếng Việt nào. Ví dụ như ba từ tiếng Pháp "poupée" /pupe/, "équipe" /ekip/ và "valise" /valiz/ được phiên âm là "búp bê", "ê kíp" và "va li". Tiếng Việt gọi sự chuyển đổi ngữ âm này là "phiên âm". Đây là một từ Hán Việt, viết bằng chữ Hán là "翻音", trong đó "phiên" có nghĩa là "dịch".

Tiếng Việt không có các tổ hợp phụ âm nên khi được phiên âm sang tiếng Việt các tổ hợp phụ âm sẽ bị loại bỏ theo các cách sau:

  1. Âm tiết hóa các phụ âm cấu thành nên các tổ hợp phụ âm đó. Nguyên âm thêm vào để tạo thành âm tiết thường là "ơ". Ví dụ: địa danh tiếng Pháp "Genève" /ʒə.nɛv/ được phiên âm là "Giơ-ne-vơ", phụ âm /v/ được âm tiết hóa thành "vơ".
  2. Bỏ qua một bộ phận của tổ hợp phụ âm. Ví dụ: từ tiếng Pháp "gramme" /gram/ được phiên âm là "gam", phụ âm /r/ trong phụ âm kép /gr/ bị bỏ qua.
  3. Áp dụng đồng thời cả hai cách trên.

Tiếng Việt thuộc loại hình ngôn ngữ đơn lập, hầu hết các âm tiết trong tiếng Việt đều mang một ý nghĩa nào đó, các từ trong tiếng Việt thường chỉ gồm một hoặc hai âm tiết, do đó người Việt có xu hướng lược bớt âm tiết của những từ ngoại lai thường dùng có từ hai âm tiết trở lên miễn là không gây hiều nhầm. Ví dụ: "ét-xăng" (bắt nguồn từ từ tiếng Pháp "essence") được rút gọn thành "xăng".

Khi đã được Việt hóa, từ mượn chịu sự biến đổi theo quy luật riêng của tiếng Việt. Từ mượn và từ gốc mà nó xuất thân có thể phát triển theo những hướng hoàn toàn khác nhau. Thí dụ: Vào thời kì của tiếng Hán cổ, cả tiếng Việt và tiếng Hán đều có phụ âm vô thanh. Từ "can" của tiếng Hán cổ khi chuyển sang tiếng Việt vẫn giữ nguyên diện mạo như vậy. Nhưng sau đó, các từ trong tiếng Hán biến đổi theo quy luật vô thanh hoá, còn các từ trong tiếng Việt lại biến đổi theo quy luật hữu thanh hoá. Do đó, từ "can" trong tiếng Hán hiện đại vẫn đọc như vậy, còn trong tiếng Việt, "can" đã đổi thành "gan"[4]. Một ví dụ khác, từ "tết" trong tiếng Việt bắt nguồn từ từ "tiết". Tuy cùng có gốc là tiếng Hán song việc sử dụng chúng hiện nay khác nhau, "tiết" để chỉ các tiết khí như tiết Thanh minh, tiết Lập Xuân, tiết Đông Chí..., "tết" để chỉ ngày lễ lớn hằng năm, thường có cúng lễ, vui chơi, hội hè, theo truyền thống dân tộc Việt Nam như tết Nguyên Đán, tết Trung Thu, tết Đoan Ngọ...

Việt hóa chữ viết

Về mặt chữ viết không phải bao giờ các từ mượn trong tiếng Việt cũng được ghi lại giống như cách chúng được phát âm, tức là nói một đằng viết một nẻo. Hiện nay các từ mượn trong tiếng Việt có hai cách viết:

Một là ghi lại bằng chữ cái La-tinh các từ mượn sao cho càng giống với cách chúng được viết trong ngôn ngữ gốc càng tốt. Ví dụ: "phét-ti-van" được viết là "festival". Các chữ cái La-tinh được sử dụng thường chỉ giới hạn trong 26 chữ cái của bảng chữ cái La-tinh cơ bản do Tổ chức Tiêu chuẩn hoá Quốc tế đặt ra dựa trên bảng chữ cái tiếng Anh đương đại. Cách viết này thường áp dụng với các ngôn ngữ sử dụng ký tự Latinh, với các ngôn ngữ không sử dụng ký tự Latinh thì sẽ chuyển tự sang ký tự Latinh. Khi sử dụng cách viết nguyên dạng mà không hướng dẫn cách đọc thì cách phát âm được dùng trên các chương trình phát thanh, truyền hình đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành cách đọc chung của công chúng.

Hai là viết bằng chữ quốc ngữ theo đúng cách phát âm trong thực tế của từ mượn. Trong tiếng Việt chúng được nói như thế nào thì ghi lại bằng chữ quốc ngữ đúng như thế. Các âm tiết có thể được viết liền nhau hoặc viết tách rời, có khoảng trắng giữa các âm tiết hoặc nối với nhau bằng các dấu gạch ngang đặt giữa các âm tiết, ví dụ như: vali, va li, va-li. Các từ mượn được viết tách rời các âm tiết thường là từ có hai âm tiết. Trong một số trường hợp khi các âm tiết được viết liền nhau, không có khoảng trắng hoặc dấu gạch ngang xen vào giữa các âm tiết, nếu không được chỉ rõ cách đọc từ trước người đọc có thể đọc sai hoặc phân vân không biết nên đọc thế nào mới đúng vì không biết một chữ cái nào đó là chữ cái cuối cùng của một âm tiết hay là chữ cái đầu tiên của một âm tiết khác sau âm tiết đó.

Việt hóa ngữ nghĩa

Quá trình đồng hóa ngữ nghĩa cũng diễn ra tương tự như ngữ âm. Khi tiếp nhận, tiếng Việt có thể thể không tiếp nhận tất cả các ý nghĩa của từ trong ngôn ngữ khác hoặc mang một ý nghĩa hoàn toàn mới. Thí dụ: từ "balle" trong tiếng Pháp có các nghĩa là "quả bóng" và "đầu đạn", nhưng tiếng Việt chỉ tiếp nhận từ này với ý nghĩa "quả bóng".[4]

Việt hóa ngữ pháp

Các từ ngoại lai cũng được đồng hoá theo tiếng Việt về ngữ pháp. Chẳng hạn, tiếng Việt là ngôn ngữ không biến hình, hiện tượng biến đổi từ loại xảy ra rất dễ dàng. Nhiều từ tiếng Việt tiếp nhận của tiếng Pháp cũng tuân theo quy luật đó: "double", "blue" là tính từ, vào tiếng Việt là "đúp", "lơ" có thể làm động từ.[4]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Từ mượn trong tiếng Việt http://www.radioaustralia.net.au/vietnamese/2014-0... http://ngonngu.net/ http://ngonngu.net/index.php?m=print&p=190 http://ngonngu.net/index.php?p=168 http://ngonngu.net/index.php?p=169 http://ngonngu.net/index.php?p=191 http://www.tgn.edu.vn/bai-viet/c45/i423/mot-so-dan... http://www.tgn.edu.vn/bai-viet/c45/i424/mot-so-dan... http://www.tgn.edu.vn/bai-viet/c45/i425/mot-so-dan... http://vov.vn/blog/phan-bien-tran-dang-khoa-ve-chu...